Kế hoạch Chiến_dịch_Smolensk_(1943)

Quân đội Liên Xô

Tháng 6 năm 1943, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô giao Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây chuẩn bị kế hoạch phối hợp với Phương diện quân Kalinin mở chiến dịch giải phóng Smolensk trong khi đang chờ đợi một cuộc tấn công mới của quân Đức ở Kursk. Trung tướng V. D. Sokolovsky (tư lệnh), thiếu tướng A. P. Pokrovsky (tham mưu trưởng), thượng tướng N. A. Bulganin và thiếu tướng I. S. Khokhlov đã thống nhất đặt tên mã cho kế hoạch là "Suvorov I" với hai mũi tấn công. Mũi thứ nhất đánh chiếm Yelnya và Spas-Demensk, sau đó tiến ra Roslavl. Mũi thứ hai phối hợp với cánh trái của Phương diện quân Kalinin đánh chiếm Dorogobuzh và Yartsevo, sau đó tiến ra Smolensk. Trong trường hợp Phương quân Bryansk hoàn thành nhiệm vụ phối hợp với Phương diện quân Trung tâm đánh bại quân Đức tại chỗ lõm Oryol thì cánh trái của Phương diện quân Tây mở cuộc tấn công qua Zhizdra - Bolkhov, phối hợp với cánh phải Phương diện quân Bryansk đánh chiếm Bryansk. Kế hoạch thứ hai đặt tên mã là "Suvorov II". Trên thực tế, chiến dịch diễn ra theo phương án thứ hai, sau khi "cái chèn sắt Mtsensk" của xe tăng Đức tại "chỗ lõm" Oryol bị đập tan.[12]

Sát trước chiến dịch, để đảm bảo chắc thắng trong Chiến dịch Kursk, Bộ Tổng tư lệnh tối cao ra Chỉ thị 170028 ngày 14 tháng 7 rút bớt một số đơn vị mạnh của Phương diện quân Tây để tăng cường cho Phương diện quân Bryansk. Thực hiện chỉ thị này, ngày 18 tháng 11, Tập đoàn quân cận vệ 11 và Quân đoàn xe tăng 25 thuộc lực lượng dự bị của Phương diện quân Tây được chuyển giao cho Phương diện quân Bryansk. Việc thiếu hụt lực lượng dự bị đã làm tướng V. D. Sokolovsky lo ngại. Để bù đắp cho sự thiếu hụt những lực lượng dự bị quan trọng, nguyên soái N. N. Voronov đã điều động bổ sung 3 sư đoàn pháo binh đến chính diện của Tập đoàn quân cận vệ 10, Bộ tổng tham mưu Liên Xô cũng điều động từ 30.000 đến 40.000 quân tăng cường cho các sư đoàn thê đội 1. Thượng tướng Aleksandr Yevgenyevich Golovanov cũng được lệnh ưu tiên đảm bảo không quân ném bom tầm xa cho Phương diện quân Tây.[9]

Để bù đắp cho sự thiếu hụt xe tăng trong các cuộc tấn công, pháo binh và không quân sẽ đảm nhận vai trò chủ yếu trong yểm hộ bộ binh. Quân đoàn pháo binh 5 của tướng M. P. Kuteynikov có lực lượng rất mạnh gồm các sư đoàn pháo nòng dài 3 và 5, Sư đoàn 7 hỏa tiễn M-31 được đưa đến hướng tấn công chủ yếu vào Smolensk. Tổng cộng số lượng pháo binh bố trí cho Phương diện quân Tây lên tới 58 trung đoàn, bao gồm 30 trung đoàn lựu pháo, 11 trung đoàn súng cối, 2 lữ đoàn pháo tầm xa nòng dài, 6 trung đoàn và 7 tiểu đoàn Katyusha. Phương diện quân Kalinin cũng được bố trí đến 31 trung đoàn pháo binh cấp sư đoàn. Chưa kể đến các dàn hỏa tiễn, mật độ pháo binh đã lên đến 170 khẩu/1 km chính diện, lớn chưa từng có trên mặt trận phía Tây Moskva.[13] Nguyên soái tư lệnh không quân Liên Xô A. A. Novikov được giao điều phối hoạt động của 3 tập đoàn quân không quân trên khu vực tác chiến. Trong cuộc đi thăm mặt trận tại khu vực Rzhev ngày 1 tháng 8, khi được các tướng V. D. Sokolovsky và A. I. Yeryomenko báo cáo về số lượng xe tăng của Phương diện quân Tây chỉ còn 349 chiếc, Phương diện quân Kalinin chỉ còn 298 chiếc, Tổng tư lệnh I. V. Stalin hứa sẽ bổ sung xe tăng ngay. Ngày 5 tháng 8, 220 xe tăng đã đến Phương diện quân Tây, 94 chiếc khác được điều đến cho Phương diện quân Kalinin; nâng mật độ xe tăng lên 18 chiếc/1 km chính diện tấn công của các hướng đột kích chính.[14]

Cũng trong ngày 5 tháng 8, Đại bản doanh Liên Xô xem xét và chuẩn y kế hoạch tấn công của từng tập đoàn quân. Kế hoạch chiến dịch này được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nhiều so với các chiến dịch tại khu vực Rzhev - Vyazma trong năm 1942. Theo đó:[9]

  1. Phương diện quân Kalinin sử dụng Tập đoàn quân 31 trên hướng tấn công chính, có nhiệm vụ phá vỡ hệ thống phòng thủ của quân Đức trên chính diện rộng 8 km giữa hai con sông Vop và Ivonin; Phối hợp với Tập đoàn quân 39 tiêu diệt các cụm phòng thủ của quân Đức tại Yartsevo, đánh chiếm Yartsevo, sau đó tiếp tục tiến tới Smolensk.
  2. Phương diện quân Tây sử dụng Tập đoàn quân 5 trên mũi chính phía Bắc để bao vây và tiêu diệt cụm quân Đức tại Dorogobuzh, đánh chiếm thành phố và đầu mối đường sắt Dorogobuzh. Chính diện tấn công chủ yếu của Tập đoàn quân 5 có chiều rộng khoảng 11 km trong khu vực Sekarevo - Kurvorst (???). Cánh phải của Tập đoàn quân 5 phối hợp với cánh trái Tập đoàn quân 31 đánh chiếm Usvyatye để bao vây và tiêu diệt quân Đức tại Dorogobuzh, sau đó, tiến công theo hướng chung đến Smolensk.
  3. Tập đoàn quân 33 phải vượt qua hệ thống phòng thủ của quân Đức trên chính diện 6 km tại khu vực Luchino (???), Kuprino (???), đánh chiếm Obolovka, phối hợp với Tập đoàn quân 10 bao vây và tiêu diệt các lực lượng đối phương tại Spas-Demensk. Tập đoàn quân 49 sử dụng 4 sư đoàn bộ binh có nhiệm vụ bảo vệ các vị trí đã chiếm đóng, sẵn sàng di chuyển để tấn công theo hướng chung đến Spas-Demensk.
  4. Tập đoàn quân 10 được giao nhiệm vụ phá vỡ quân phòng thủ của đối phương trong khu vực Chashy-Karpovka (???) trên chính diện 10 km và tấn công theo hướng chung đến Roslavl. Cụm cơ động gồm các lực lượng chủ yếu của Quân đoàn cơ giới 5 dự kiến ​​sẽ tiếp tục khoét sâu thêm cửa đột phá trên trục chính của hướng tấn công tại Chernichnik (???) và Bylaki (???). Sau đó, Tập đoàn quân 10 tiếp tục tấn công vượt qua tuyến phòng thủ thứ hai của quân Đức tại Ostraya - Sloboda và Pesochna Verkhi (???), tách một mũi tấn công trên hướng Obolovka và Vorontsovo, phối hợp với Tập đoàn quân 33 để bao vây và tiêu diệt các lực lượng đối phương tại Spas-Demensk. Tập đoàn quân 50 có nhiệm vụ bảo vệ các vị trí đã chiếm đóng và sẵn sàng mở cuộc tấn công theo hướng chung đến Lyudinovo và Dubrovka.
  5. Tập đoàn quân 68 làm nhiệm vụ của thê đội 2, được đưa vào tác chiến tại chỗ tiếp giáp giữa Tập đoàn quân 5 và Tập đoàn quân 10 tại khu vực Mozovya-Vititnevo (???), có nhiệm vụ tiếp tục phát triển cuộc tấn công về phía Yelnya, phá hủy hậu cứ của đối phương, đánh chiếm Yelnya và tiếp tục tiến công đến Pochinok. Tập đoàn quân 21 cũng làm nhiệm vụ của thê đội 2, được đưa vào tác chiến tại chỗ tiếp giáp giữa Tập đoàn quân 10 và Tập đoàn quân 33 để phát triển tấn công qua Dubrovka. Quân đoàn kỵ binh cận vệ 6 gồm 3 sư đoàn kỵ binh và 3 sư đoàn xe tăng tấn công bên cánh phải của Tập đoàn quân 10, đột phá qua Lipno (???), Peredelniki, Mutische (Staroye Mutische) và phát triển tấn công theo hướng Stodolishche - Novo Derebuzh (???).

Đến trước ngày khởi sự, Phương diện quân TâyPhương diện quân Kalinin của quân đội Liên Xô đã đạt được tỷ lệ áp đảo tương đối so với Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) trên khu vực tác chiến. Về quân số: 1,5/1, về pháo binh: 2,9/1, về xe tăng: 2,9/1; về máy bay: 1,6/1.

Quân đội Đức Quốc xã

Sơ đồ hệ thống phòng thủ của quân Đức trên khu vực Smolensk và các vùng lân cận

Giống như "chỗ lồi" Rzhev - Vyazma, quân đội Đức Quốc xã đã xây dựng một mạng lưới phòng thủ quanh khu vực Smolen. Tuyến 1 nằm trên cánh cung Demidov - Dukhovshina - Yartsevo - Yelnya - Spas Demensk. Tuyến 2 nằm trên trục Nevel - Rudnya - Smolensk - Roslavl - Bryansk. Tuyến 3 chạy dọc theo các con sông Pronya, Berezina, Dniepr từ Vitebsk qua Orsha, Mogilev đến Gomen. Đây là cả một hệ một tuyến phòng thủ mạnh, có chiều sâu và kết nối với nhau chặt chẽ bằng các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt. Khác với phần phía Nam của tuyến Panther-Wotan, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) không bố trí xe tăng trên tuyến đầu làm lớp giáp phòng thủ mà bố trí ở phía sau làm lực lượng dự bị để thực hiện chiến thuật phòng ngự cơ động. Quân Đức đã dựa vào địa hình tự nhiên để bố trí các lô cốt phòng thủ, các hỏa điểm, các chướng ngại vật, bãi mìn tạo thế phòng ngự liên hoàn. Các trung tâm phòng thủ trên tuyến 1 đều có liên hệ thông suốt với các trung tâm phòng thủ trên tuyến 2 và tuyến 3 bằng các trục dọc Vitebsk - Rudnya - Demidov, Orsha - Smolensk - Dukhovshina, Orsha - Smolensk - Yartsevo, Mogilev - Pochinok - Yelnya, Gomen - Roslavl - Spas Demensk, Gomen - Bryansk.

Chỉ thị của Bộ tham mưu Cụm tập đoàn quân cuối tháng 7 năm 1943 đã ghi rõ như sau:

Ở mặt trận... do Cụm Tập đoàn quân Trung tâm chịu trách nhiệm phòng thủ đã liên tục phát hiện thấy nhiều dấu hiệu của việc chuẩn bị một đợt tấn công đến giới hạn phòng tuyến (Roslavl, Smolensk, Vitebsk) và của một cuộc tấn công nhằm kìm chân Cụm Tập đoàn quân Trung tâm...

Mặt trận tại khu vực này đã ổn định suốt 4 đến 5 tháng (có nơi đến 18 tháng), đồng thời địa hình tại khu vực này khá thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ. Vì vậy, người Đức đã có đủ thời gian xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh, có khu vực được bảo vệ bởi 5 đến 6 phòng tuyến với chiều sâu từ 100 đến 130 cây số (60–80 dặm).[14]

Khu vực phòng thủ chiến thuật ở ngoại vi bao gồm tuyến phòng thủ (chính) thứ nhất và thứ hai, có chiều sâu 12-15 cây số và người Đức cố gắng bố trí các phòng tuyến này ở những vùng đất cao. Phòng tuyến chính, có chiều sâu 5 cây số, bao gồm 3 hệ thống chiến hào và các hỏa điểm, kết nối với nhau bằng một hệ thống liên lạc có quy mô rất lớn. Mật độ các hỏa điểm có thể lên tới 6-7 chiếc trong 1 cây số chiều dài mặt trận. Tại một số khu vực, để đề phòng các đợt tấn công bằng các loại xe tăng hạng nặng, hệ thống chiến hào thứ 3 thực chất là các hào chống tăng với bờ phía Tây rất dốc, được bố trí phối hợp với các khẩu đội pháo và các ụ súng máy. Khu vực phía trước của phòng tuyến được bảo vệ bởi ba lớp hàng rào kẽm gai và những bãi mìn dày đặc.[8]

Khu vực phòng thủ thứ hai nằm phía sau cách khu vực ngoại vi chừng 10 cây số và bao bọc hầu hết các hướng quan trọng, bao gồm một hệ thống các hỏa điểm kết nối với những tuyến chiến hào. Khu vực phòng thủ này cũng được bảo vệ bởi các hàng rào kẽm gai và cả bởi các bãi mìn tại nơi có thể bị xe tăng tấn công. Giữa hai khu vực phòng thủ nêu trên, phát xít Đức cũng bố trí một số hỏa điểm và một số đơn vị đồn trú nhằm kìm chân các đơn vị của Hồng quân khi họ đã chọc thủng được khu vực phòng thủ ngoại vi. Các loại pháo và hỏa khí hạng nặng cũng được bố trí phía sau khu vực phòng thủ thứ hai.[15]

Cuối cùng, nằm sâu trong trận địa, quân Đức cũng bố trí thêm 3 hay 4 phòng tuyến nữa, chủ yếu nằm ở bờ Tây của các con sông trong khu vực. Ví dụ như nhiều phòng tuyến quan trọng đã được bố trí tại bờ Tây của sông Dnepr và sông Desna. Hơn nữa, những thành phố, thị trấn nằm trong các phòng tuyến (ví dụ như Yelnya, DukhovshchinaSpas-Demensk) được bảo vệ bằng những hệ thống phòng ngự dày đặc nhằm biến chúng thành những pháo đài khổng lồ, sẵn sàng chịu đựng một cuộc công kích kéo dài. Tại đây, các con đường đều được chôn mìn cùng với các vật cản chống tăng; còn các hỏa điểm được bố trí tại các tòa nhà cao nhất và quan trọng nhất trong thành phố.[15]

Binh lực phòng thủ ban đầu của quân Đức trong khu vực tác chiến gồm 44 sư đoàn, 185 xe tăng và pháo tự hành, 6.600 khẩu pháo và 770 máy bay. Trong quá trình chiến dịch, Bộ Tổng tư lệnh lục quân Đức đã điều động bổ sung cho Cụm tập đoàn quân Trung tâm 16 sư đoàn, trong đó có 8 sư đoàn bộ binh, 5 sư đoàn tăng và 3 sư đoàn cơ giới. Số vũ khí, khí tài được bổ sung gồm 3.300 pháo và súng cối, gần 800 xe tăng và pháo tự hành.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Smolensk_(1943) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1943W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1943W/... http://lwp.armiam.com/pictures/lenino1.JPG http://65letpobedy.ax3.net/3.html //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/anischenkov_shurinov/03.h... http://militera.lib.ru/h/grossman/01.html http://militera.lib.ru/h/istomin/01.html http://militera.lib.ru/h/istomin/02.html